Tính thông hiểu lẫn nhau

Trong ngôn ngữ học, tính thông hiểu lẫn nhau là mối quan hệ giữa các ngôn ngữ hoặc phương ngữ khi mà người sử dụng các biến thể khác nhau nhưng có liên quan có thể hiểu được nhau một cách dễ dàng mà không cần quen biết trước hay tốn nhiều nỗ lực. Đôi khi, thông hiểu lẫn nhau được sử dụng như một tiêu chí quan trọng để phân biệt giữa ngôn ngữ và phương ngữ, dù các yếu tố thuộc lĩnh vực Ngôn ngữ học xã hội cũng thường được đưa vào xem xét.Việc thông hiểu giữa các ngôn ngữ có thể không đối xứng, tức là người dùng một ngôn ngữ có thể hiểu được nhiều hơn về ngôn ngữ kia so với người dùng ngôn ngữ thứ hai hiểu về ngôn ngữ đầu tiên. Khi sự thông hiểu đối xứng tương đối, nó được gọi là "thông hiểu lẫn nhau". Sự thông hiểu lẫn nhau tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau giữa các ngôn ngữ có liên quan hoặc gần nhau về địa lý trên thế giới, thường xuyên xuất hiện trong bối cảnh của một dãy phương ngữ.